ITT – Với tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay, nhiều học sinh băn khoăn đến thị trường du học hậu COVID-19 sẽ ra sao khi nhiều kỳ thi bị hoãn bỏ, nhiều nước hạn chế việc nhận thêm du học sinh.
Cuối tháng 3-2020, trong một hội nghị trực tuyến của các chuyên gia hàng đầu về giáo dục đại học quốc tế, GS Simon Marginson từ Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Toàn cầu đã đưa ra một dự báo làm nhiều người phải “rầu lòng”: phải mất khoảng 5 năm nữa may ra thị trường du học mới trở lại bình thường.
Còn trong một cuộc họp báo mới đây, Julie Bishop, chủ tịch Đại học Quốc gia Úc, dự tính trường của bà sẽ mất khoảng 40% doanh thu trong năm học tới.
Tuy vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, những trường hợp như Đại học Quốc gia Úc hay một số đại học nghiên cứu khác vẫn được coi là may mắn bởi họ có thể dùng nhiều nguồn thu khác để bù đắp. Với nhiều trường có thiên hướng giảng dạy khác, tình hình sẽ nguy cấp hơn nhiều vì các trường này phụ thuộc quá nhiều vào nguồn học phí, đặc biệt của sinh viên quốc tế.
Một số nhận định bi quan còn dự báo sẽ xấu hơn trong thị trường du học hậu COVID-19 là sẽ có không ít trường đại học tại các nước có truyền thống nhận sinh viên quốc tế còn phải đóng cửa.
Một khảo sát định kỳ của Tổ chức Studyportals (Hà Lan) hôm 14-4 cho biết, trong số 850 sinh viên có dự định đi du học, 40% hiện đang có ý định thay đổi dự định của mình vì COVID-19. Con số này thực tế đã tăng 9% so với con số tương ứng được công bố vào cuối tháng 3: khi đó chỉ 31% số người được hỏi có ý định thay đổi quyết định du học của mình.
Câu hỏi là các đại học Việt Nam có đang chuẩn bị gì cho những thay đổi của thi trường du học hậu COVID-19 hay không? Nếu những con số về số lượng sinh viên dự kiến thay đổi kế hoạch du học như trên là đúng thì những sinh viên này sẽ làm gì thay thế? Tín hiệu này có khiến bức tranh du học toàn một màu bi quan?