ITT – Những thay đổi sắp tới trong việc thi đại học ở Nhật Bản đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ các giáo viên, các bạn học sinh và phụ huynh. Trong những tháng gần đây, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) Nhật Bản đã tuyên bố khá chi tiết về cải cách tuyển sinh đại học vào năm 2020.
Thi nói tiếng Anh
Năm ngoái, 560.672 học sinh trung học đã đăng ký thi đại học ở Nhật Bản. Năm 2020, các thí sinh sẽ cần phải viết các câu trả lời từ 80 đến 120 chữ trong phần tiếng Nhật và Toán. Một công ty tư nhân sẽ thực hiện công việc chấm điểm.
Từ năm 2020 đến 2023, các trường đại học có thể chọn tiếp nhận các thí sinh dựa trên kết quả phần thi tiếng Anh của kỳ thi mới hoặc kết quả bài thi tiếng Anh thí sinh đạt được khi thi tại các cơ sở tư nhân, đánh giá các kỹ năng nghe, nói, đọc viết, hoặc cả hai kết quả này.
Từ năm 2011 kỳ thi TOEFL là kỳ thi được ưu tiên lựa chọn, tuy nhiên 16 đề xuất của MEXT hồi tháng 5 đưa ra 10 cơ sở tổ chức thi tiếng Anh có thể được lựa chọn và rất nhiều công ty đang háo hức mong được MEXT chọn.
TOEFL là kỳ thi tiếng Anh trên mạng và chỉ có 90 địa điểm ở Nhật được trang bị phòng máy tính cần thiết để tiến hành kỳ thi này. Trong khi đó, Trung tâm khảo thí có tới 700 địa điểm. Như vậy, nếu MEXT chọn TOEFL, học sinh sống bên ngoài các thành phố lớn sẽ phải chịu thêm phí và thời gian đi lại. Ngoài ra, chi phí thi TOEFL cũng cao hơn (27.000 Y) so với kỳ thi của Trung tâm khảo thí (18.000 Y).
Các trường đại học tư thục
Những quy định mới của MEXT đối với kỳ thi đại học ở Nhật Bản sẽ có tác động lớn đối với số học sinh không nhỏ thi vào các trường này. Hàng năm, có gần 480.000 thí sinh được nhận vào các trường đại học tư thục ở Nhật Bản.
Đối với những thí sinh này, kỳ thi đại học ở Nhật không căng thẳng như trước đây. Theo số liệu của MEXT năm 2015, chỉ có 49% học sinh vào được các trường đại học tư thục thông qua các bài thi viết. 43% các trường tư thục không thể đáp ứng được lượng thí sinh tiếp nhận theo chỉ tiêu nên họ tạo ra lối tắt tới giáo dục bậc cao cho nhiều thí sinh.
MEXT cũng đưa ra những quy định khắt khe hơn, đòi hỏi các trường phải áp dụng hệ thống tuyển sinh dựa trên các bài luận ngắn, các bài thuyết trình và phỏng vấn. MEXT mong muốn các trường đại học phải xem xét các yếu tố như công tác tình nguyện và kinh nghiệm học tập ở nước ngoài của thí sinh khi tuyển sinh.