ITT-Kỳ thi chuẩn hóa đầu vào đại học tại Mỹ
SAT đã có thay đổi lớn nhất trong 30 năm trở lại đây khi College Board quyết định đổi cấu trúc và phương thức ra đề. Cấu trúc đề thi SAT dạng thức mới bắt đầu được áp dụng từ tháng 3/2016 và cho đến nay vẫn chưa có một đề thi SAT theo dạng thức mới nào được ra mắt chính thức.
Mới đây, Phó chủ tịch cao cấp của The Princeton Review (Tổ chức giáo dục và luyện thi hàng đầu Mỹ), ông Michael Gamerl với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực luyện thi đã có một loạt bài diễn giảng quan trọng tại Canada, Puerto Rico, Kuwait, UAE, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Malaysia nhằm giới thiệu về kỳ thi SAT mới cùng ảnh hưởng của những thay đổi về dạng thức bài thi tới các học sinh đang ôn luyện cho kỳ thi đầu vào đại học quan trọng nhất nước Mỹ này.
Theo Michael Gamerl, bài thi SAT mới sẽ kiểm tra các khái niệm cao cấp hơn bài thi dạng thức cũ. Cấu trúc đề thi SAT mới sẽ có nhiều nét tương đồng với đề thi ACT (là một trong 2 kỳ thi chuẩn hóa để xét tuyển đầu vào đại học tại Mỹ) như: không bị trừ điểm cho câu trả lời sai; mỗi câu hỏi trắc nghiệm sẽ có 4 đáp án để lựa chọn thay vì 5 như trước; chú trọng hơn đến toán cao cấp, dấu chấm câu, tư duy phân tích… “Về nhiều phương diện, bài thi SAT mới sẽ giống với bài thi ACT, nhưng sẽ khó hơn”, Michael cho biết.
Việt Nam hướng tới ra đề thi như kỳ thi SAT của Mỹ
Kỳ thi SAT ở Mỹ- một trong những kỳ thi chuẩn hóa (mỗi đợt thi đều có dạng thức đề thi giống nhau) cho việc đăng ký vào một số ĐH tại Mỹ với những kỹ năng kiểm tra độ thông minh và kỹ năng đọc, hiểu, viết. Đề thi dạng này có nghĩa là tất cả các môn học ở cấp học THPT sẽ được đưa vào một bài thi chung với các phần thi là các môn học.
Nghiên cứu cách thức ra đề thi theo hướng cấu trúc đề thi SAT của Mỹ, Bộ GD-ĐT Việt Nam đã từng cho biết, Việt Nam hướng tới tổ chức một bài thi và cách thức tổ chức tương tự như thi tiếng Anh (TOEFL, IELTS…). Theo đó, đề thi sẽ có một số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản, không đánh đố để hầu hết học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Những câu hỏi nâng cao sẽ đánh giá năng lực thật sự của học sinh đạt điểm số xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Một số năm đầu tiên, Bộ GD-ĐT có thể tổ chức thi chung, có thể thi 4 bài: Toán (và tư duy logic), Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân); Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh, Kỹ thuật) và Ngoại ngữ (ở các thành phố khuyến khích thi sinh thi tiếng Anh theo TOEFL, IELTS, tiếng Pháp TCF hoặc DELF… rồi quy đổi điểm sang hệ của Việt Nam).
Đề thi, thang điểm được thiết kế sao cho các trường, các ngành có thể lấy làm thước đo để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Các trường, ngành đặc thù có thể đưa ra các tiêu chí phụ khác hoặc tổ chức thi thêm để tuyển sinh.