fbpx

Các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới vẫn liên tục đổi mới

Các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới vẫn liên tục đổi mới

ITT – Đó là chia sẻ của TS. Tshering Lama, lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tại hội thảo trường học chất lượng cao trong thời đại 4.0 về các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới.

Mở đầu phần chia sẻ với các giáo viên và các nhà quản lý trường học của Việt Nam, TS. Tshering Lama giới thiệu đến từ Nepal với hành trình học tập của bản thân xuất phát từ một ngôi trường làng ở trên núi. Là con của một người thợ mộc và cũng từng phải làm những công việc đồng áng nhưng giờ đây ông đã trở thành giám đốc của Trung tâm Ý tưởng Nepal và lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Với tất cả những bằng cấp và sự phát triển về chuyên môn đã trải qua trong con đường học tập, ông cho rằng mọi việc điều có thể xảy ra, đạt được mục tiêu đề ra nếu có một sự đầu tư cho giáo dục: “Nền giáo dục có được hôm nay có thể coi là sự khởi đầu đối với giáo viên cũng như học sinh và diễn ra hằng ngày, tuy nhiên phần thưởng này không thể đảm bảo được tương lai sẽ ra sao mà phải cố gắng và luôn luôn tiếp tục những nỗ lực đó thì mới có thể đạt được một tương lai xán lạn như định hướng phát triển.”

Ông dẫn chứng về các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới như Phần Lan và Singapore. Phần Lan mặc dù được coi là quốc gia có thành tựu về giáo dục xếp hàng đầu thế giới, nhưng tháng 8/2016, họ đưa ra áp dụng một chương trình đào tạo mới, đảm bảo học sinh có thể đạt được những kỹ năng cần thiết trong tương lai để có những công việc tốt. Sự thành công trong hệ thống giáo dục của Phần Lan phụ thuộc rất nhiều vào tính nghiên cứu về phương pháp giảng dạy và đội ngũ giáo viên có trình độ, năng lực và kỹ năng. Tất cả các giáo viên ở đây đều có bằng thạc sĩ về giáo dục.

Singapore thì đưa ra một hệ thống đánh giá cấp độ dựa trên các môn học thay cho cách đánh giá truyền thống trước đây. Việc sắp xếp theo cấp độ dựa trên môn học như vậy sẽ giúp cho người học có thể lựa chọn môn học ở cấp độ thấp hay cao tùy theo năng lực của mình. Đất nước này bắt đầu áp dụng chương trình vào tháng 3/2019 và sẽ thử nghiệm trên 25 trường học vào năm học tới trước khi có thể áp dụng rộng rãi vào năm 2024.

Tshering Lama cho rằng, những sự thay đổi đang diễn ra ở các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới là động lực giúp chúng ta có thể sẵn sàng đương đầu với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những đổi mới về giáo dục.

Intertu Education